Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010
ĐÔI ĐIỀU VỀ PHÁ SẢN VÀ VẤN ĐỀ "TRÁCH NHIỆM SUỐT ĐỜI" TRONG LUẬT PHÁ SẢN VIỆT NAM
Với mục đích tạo không khí nghiên cứu, trao đổi học thuật trong hoàn cảnh các thành viên của NL đang có những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp, và cũng để nhắc nhở các anh em: "học hành là chuyện cả đời", thời gian tới Blog NL sẽ đăng lại các bài viết đã được in trên báo giấy NL giúp anh em có tư liệu chia sẻ. Tất cả các bài đăng đều thuộc bản quyền Nhân Luật.
Nguyễn Văn Đạt
Theo quy luật tự nhiên, mọi sự vật hiện tượng được sinh ra đều trải qua quá trình tồn tại, phát triển và tiêu vong. Với các doanh nghiệp (DN) ra đời trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng không phải là ngoại lệ của quy luật đó.
Có lẽ bất cứ ai khi quyết định đầu tư vào sản xuất kinh doanh cũng đều tin và mong rằng mình sẽ thành công. Tuy nhiên, trong môi trường đầy tính cạnh tranh và khả năng rủi ro rất lớn này, thì việc những DN không đủ sức cạnh tranh và gánh chịu những rủi ro để rồi tụt lại phía sau và dẫn tới phá sản dường như là một điều tất yếu. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ rủi ro là ¼, có nghĩa là cứ 100 DN được thành lập thì sẽ có khoảng 25 DN bị phá sản.
Phá sản DN là một hiện tượng kinh tế-xã hội tồn tại khách quan, có thể xem là một sản phảm tất yếu của nền kinh tế thị trường. “DN lâm vào tình trạng phá sản là DN gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt đông sản xuất kinh doanh sau khi áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn” (điều 2, Luật phá sản). Phá sản được coi là một cách giải quyết hữu hiệu cho các con nợ khi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ đáo hạn.
Tuỳ vào mỗi chế độ kinh tế, mỗi điều kiện môi trường kinh doanh mà pháp luật các nước, các thời kì sẽ có những qui định về vấn đề phá sản theo cách riêng của họ. Trong thời kì cổ đại và trung đại, pháp luật phá sản đều mang tính trừng phạt nặng nề (chịu những chế tài hình sự nghiêm khắc như bỏ tù, bắt làm nô lệ hay bị giết...) hay bắt giữ con nợ để cưỡng bách trả nợ; cha mẹ mắc nợ con phải trả...Trong thời đại hiện nay, với sự bùng nổ của nhân quyền, tự do, pháp luật phá sản hiện đại có cách nhìn khoan dung hơn đối với những người lâm vào tình trạng phá sản. Do vậy, xu hướng pháp luật phá sản hiện nay trên thế giới không chỉ đặt ra những thiết chế bảo vệ lợi ích cho chủ nợ mà còn quan tâm bảo vệ lợi ích của con nợ. Nhấn mạnh về vấn đề này, trong bài viết tôi xin mạn phép đưa ra một vài suy nghĩ về việc các con nợ bị tuyên bố phá sản là chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh tiếp tục phải trả các món nợ còn thiếu, sau khi đã bán toàn bộ tài sản của mình để thanh toán các khoản nợ. “Tức là trách nhiệm suốt đời”.
Điều 90 luật Phá sản năm 2004 qui định: “nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản:
1.Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản qui định tại điều 86 và điều 87 của luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác.
2.Các nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quýêt định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản được giải quýêt theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự và các qui định khác của pháp luật có liên quan”
Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, không ai trong bất cứ chúng ta khi làm một việc gì đó lại không mong mình sẽ thành công, đặc biệt là ước mơ làm giàu.Việc làm ăn thua lỗ và dẫn đến phá sản là điều không ai mong muốn, người kinh doanh, nhà nước hay bất kì ai cũng vậy.Việc để xảy ra tình trạng đó dù do nguyên nhân chủ quan hay khách quan tôi nghĩ có thể xem đó như là một “tai nạn”, hay một “lỗi lầm” mà người làm kinh doanh gặp phải vậy. Trong cuộc đời của mỗi người, ai mà chẳng có ít nhất một lần vấp ngã, một lần thất bại. Sự thất bại đó chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý chủ nhân của nó một mức độ nhất định. Sự đánh giá, nhìn nhận, thái độ của xã hội, của mọi người xung quanh sẽ có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến người đó. Họ sẽ có nhiều động lực để đứng dậy hơn, nhiều quyết tâm để làm lại hơn nếu xã hội và mọi người có thể “tha thứ”, có cái nhìn bao dung hơn, và bản thân họ ít phải chịu áp lực khi bắt đầu lại sự nghiệp.
Đối với các công ty có tính chất đối vốn ( công ty cổ phần, công ty TNHH ) khi bị phá sản thì các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình (có nghĩa là họ đương nhiên đựoc giải phóng khỏi việc thanh toán các khoản nợ mà công ty còn thiếu đối với các chủ nợ) thì không có gì đáng bàn. Còn đối với các các con nợ bị phá sản là cá nhân, phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ (DN tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh), sau khi trả nợ bằng tất cả số vốn đưa vào kinh doanh (tức là họ đã trắng tay) mà vẫn còn thiếu, thì phải tiếp tục trả các món nợ còn thiếu đó. Điều đó có nghĩa là còn sống, còn thu nhập thì còn phải tiếp tục trả nợ. Quy định “không miễn trừ nghiã vụ về tài sản của chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ...” đã hợp lý hay chưa?
Thử hỏi có ai trên đời luôn mang trong mình một “tinh thần thép”, mà khi đã lâm vào cảnh trắng tay, thân bại danh liệt, và nỗi ám ảnh phải tiếp tục trả nợ khi còn có thu nhập lại có thể dứng dậy được. Đã qua rồi cái thời nếu không trả được nợ thì phải làm nô lệ cho chủ nợ, và cũng qua rồi cái thời cha mẹ không trả hết nợ thì con cái phải trả thay...Làm giàu là một ước mơ rất chính đáng, rất cao đẹp, vậy nên những người có ước mơ làm giàu cần được tạo cơ hội, được động viên, khích lệ. Tất nhiên việc nhà làm luật quy định như vậy cũng có cái lý của họ. Có những đối tượng cần phải chịu những chế tài xứng đáng cho hành vi của họ (những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh...). Nhưng đối với những người làm ăn chân chính vì một lý do nào đó mà lâm vào tình cảnh như vậy, mà thái độ của xã hội đối với họ cũng như những kẻ làm ăn bất lương kia thì quả thật chúng ta cần phải suy nghĩ lại.
Là một người có nhiều nghiên cứu về luật phá sản Việt Nam, PGS.TS Dương Đăng Huệ cho rằng Điều 90 của luật Phá sản, trong tương lai cần được sửa đổi theo hướng như sau: “ Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không được miễn trừ nghĩa vụ về tài sản đối với chủ nợ chưa được thanh toán nếu:
a. Trì hoãn việc làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không có lý do chính đáng;
b. Có hành vi tẩu tán, huỷ hoại, sử dụng hoang phí tài sản trước và sau khi toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản;
c. Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ hợp tác với toà án, hội nghị chủ nợ, tổ quản lý và thanh toán tài sản trong quá trình giải quyết vụ phá sản;
d. Đã được hưởng quy chế giải phóng nợ trong một vụ phá sản khác trong thời hạn 5 năm trước ngày toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc phá sản.”
Đối với bản thân tôi, ý kiến của PGS.TS Dương Đăng Huệ thật hợp tình, hợp lý. Chúng ta cần phải có những chế tài nghiêm khắc cho những hành vi đáng phải chịu như vậy, nhưng chúng ta cũng nên mở lối thoát cho những người đáng nhận được sự bao dung của xã hội. Theo tôi, pháp luật hay bất cứ một công cụ nào mà nhà nước sử dụng để duy trì sự ổn định, trật tự kỷ cương xã hội, chỉ có thể đạt được ý nghĩa và mục tiêu đích thực khi sự việc xảy ra đươc giải quyết thấu đáo, hợp tình và hợp lý.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét