Đỗ Giang Nam
“Hàng loạt cổ đông đã khởi kiện Yahoo! khi ban lãnh đạo hãng này từ chối bản hợp đồng sáp nhập trị giá 44,6 tỷ USD của Microsoft, với lý do, hãng đã không đứng về phía lợi ích của họ” . Vụ mua bán đình đám đó diễn ra tại Hoa Kỳ và vụ kiện đó được tòa án bang Delaware thụ lý, tuy nhiên nếu vụ việc tương tự xảy ra tại Việt Nam, thì:
1.Theo LDN 2005, khi người quản lý gây thiệt hại cho công ty, cổ đông không được trực tiếp kiện họ (trong khi thành viên công ty TNHH lại được quyền khởi kiện giám đốc công ty TNHH Điều 41.1.g). Chỉ có cổ đông chiếm 10% cổ phần mới có thể báo cáo lên Ban Kiểm soát (Điều 79.2.d và Điều 123.5) Tuy nhiên Ban Kiểm sóat lại do đại hội đồng cổ đông bầu, hay chính là các cổ đông đa số bầu vì vậy khó có thể đảm bảo sự vô tư của Ban Kiểm soát đối với các cổ đông thiểu số. Cổ đông chỉ có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình (Điều 90) hay yêu cầu tòa án hủy bỏ các quyết định của Đại hội đồng cổ đông nếu có vi phạm về trình tự thủ tục, hay nội dung trái với Điều lệ hoặc qui định của pháp luật (Điều 107). Như vậy cổ đông thiểu số ở Việt Nam thiếu công cụ giải quyết tranh chấp tại tòa án khi giám đốc hay HĐQT gây thiệt hại cho công ty như những cổ đông khác ở Mỹ.
2 Trong vụ kiện này,“Luật sư bên nguyên tuyên bố “nói không với Microsoft” chỉ là quan điểm riêng của ban lãnh đạo Yahoo! chứ không phải là một bước đi nhằm tối đa hoá giá trị cổ phiếu của hãng”. Nếu là luật sư bên bị, ta có thể đặt vấn đề là thành viên HĐQT liệu có tự do, thoải mái khi ra những quyết định có tính rủi ro cao nhưng lại có thể mang lại kết quả tốt cho công ty trong tương lai. Rõ ràng nếu lo sợ trách nhiệm, những người quản lý công ty sẽ e ngại và thay vào đó là những quyết định ổn định nhưng kém hiệu quả kinh tế. Trong những trường hợp như thế tòa án Hoa Kỳ bảo vệ họ, không buộc họ chịu trách nhiệm về quyết định của mình miễn là họ hành động cẩn trọng, trung thực. Các công ty cũng có thể chịu chi phí cho việc bảo vệ các thành viên HĐQT đã hành động trung thực và mẫn cán, họ cũng có thể mua bảo hiểm để trang trải cho các phí tổn đó. Tất cả những quy định này kết hợp với những nghĩa vụ trên nhằm giảm nguy cơ sai lầm nhưng không làm mất đi tính hiệu quả kinh tế trong việc ra quyết định. Nghĩa vụ cẩn trọng này cũng được LDN 2005 tiếp nhận theo đó, người quản lý phải hành xử một cách trung thực , cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty (Điều 119.1.b). Nhưng điểm khác biệt như ở trên đã chỉ rõ là những cổ đông không có tố quyền để bảo vệ mình, khi nghĩa vụ này bị các người quản lý vi phạm. Hay nói cách khác nghĩa vụ này không đi kèm với chế tài.
3.Tóm lại qua vụ kiện trên của các cổ đông Yahoo, chúng ta có thể đưa ra nhận xét cơ bản:
3.1. Cổ đông thiểu số ở Mỹ được bảo vệ tốt hơn so với ở Việt Nam ít nhất trên hai khía cạnh. Thứ nhất: Quyền cơ bản của cổ đông là quyền được thông tin ở CTCP Việt Nam bị hạn chế, thể hiện ở việc các cổ đông thông thường chỉ được xem biên bản các đại hội đồng cổ đông, chỉ cổ đông nắm trên 10% số vốn mới được xem biên bản hội đồng quản trị của công ty (Điều 79.2.b). Thứ hai: tố quyền, quyền để bảo vệ quyền, cũng không có đối với các cổ đông thiểu số Việt Nam, trong khi đó tại Hoa Kỳ việc sử dụng tố quyền này là thường xuyên ví dụ điển hình là vụ kiện Enron, Tyco, WorldCom và Yahoo hiện nay.
3.2.Trái lại, những người quản trị Việt Nam có vẻ có sức mạnh hơn so với đồng sự bên kia bán cầu bởi luật pháp cho dù quy định nghĩa vụ của họ, nhưng không có chế tài cụ thế. Hy vọng họ sẽ phát huy lợi thế này để đưa ra được quyết định quyết đoán và sáng suốt vì lợi ích công ty chứ không phải vì mục đích tư lợi.
3.3.Rõ ràng, quyền của cổ đông thiểu số càng lớn, nghĩa vụ của người quản lý càng minh bạch và có thể đảm bảo thi hành thì càng nhiều cá nhân bỏ vốn ra kinh doanh, dòng vốn lớn thì thị trường càng phát triển, đất nước ngày hưng thịnh. Do đó việc xây dựng lòng tin cho cổ đông là công việc quan trọng. Bên cạnh những giải pháp có thể học hỏi Hoa Kỳ nêu trên, thì chúng ta cần nhiều hơn những viện PACE, phải đào tạo và tuyển chọn được những CEO , những nhà điều hành không chỉ tài năng mà phải có chuẩn mực về đạo đức: như tính cẩn trọng, công bằng, trung thực…
1 nhận xét:
Một bài viết ngắn gọn nhưng chất lượng...
Đăng nhận xét