Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

NÊN CÓ TÒA ÁN CHUYÊN VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Lê Trọng Dũng

(TBKTSG) - Xu thế “san phẳng thế giới” trên các lĩnh vực pháp luật đã khiến thói quen bảo vệ tài sản tư, tạo lợi thế cạnh tranh từ tài sản trí tuệ trong xã hội phương Tây từng bước xuất hiện trong các văn bản pháp luật nước ta. Bộ luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và nhiều văn bản pháp luật kế tiếp đều mang “hơi thở” của xu hướng đó.

Pháp luật sở hữu trí tuệ với chức năng là nền tảng pháp lý bảo vệ các tài sản trí tuệ đang được hoàn thiện và giữ vai trò quan trọng đảm bảo lợi ích của các tri thức có tài sản tư. Những quy định xác lập quyền, cơ chế bảo vệ và thực thi trong pháp luật sở hữu trí tuệ dần khắc phục tình trạng nhiều tài sản bị “lấy đi” dễ dàng. Tuy nhiên, trước tình cảnh các ca sĩ và nhà đầu tư tranh giành quyền lợi, các công ty ra sức bảo vệ nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, người ta vẫn thấy rằng ước mơ công lý của người có tài sản trí tuệ vẫn còn xa lạ.

Khi nhận thấy sự sáng tạo bị xâm phạm, người có tài sản trí tuệ thường lên tiếng phản đối để đòi lại công bằng. Họ thường phối hợp với cơ quan hành chính hoặc tìm đến tòa án dân sự. Nhưng với đặc thù phức tạp, mang tính chuyên môn cao nên nhiều khi các cơ quan hành chính và tòa án dân sự, vốn còn nhiều mặt hạn chế, vẫn không thể giải quyết thỏa đáng.

Khi gặp trường hợp khó, các cơ quan này thay vì phải giải quyết rốt ráo thì lại thường “đá” cho nhau. Khi đó người có tài sản trí tuệ cứ loay hoay không biết quyền lợi hợp pháp của mình có được bảo vệ hay không. Bởi thế, khi kinh tế phát triển, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ gia tăng, người dân mong có tòa án đủ năng lực để xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta hướng đến việc khuyến khích sáng tạo, thi hành đủ các loại quyền tài sản trí tuệ và đủ sức bảo vệ người có quyền đó. Từ việc bảo vệ quyền của giới văn nghệ sĩ, cho tới bảo vệ độc quyền nhãn hiệu, sáng chế của người làm khoa học. Thậm chí quyền của người sử dụng trước tài sản trí tuệ cũng được bảo hộ một cách đầy đủ. Theo điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu được tạo ra một cách độc lập, người sử dụng tài sản trí tuệ trước sẽ không thể bị người có văn bằng bảo hộ coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không thật sự bình đẳng giữa các cơ quan hành chính và người dân, cộng thêm sự lúng túng của những người không chuyên, nhiều khi các bằng chứng bảo vệ lợi ích hợp pháp của người có tài sản trí tuệ lại bị lãng quên. Do đó, khi tranh chấp sở hữu trí tuệ xảy ra, ước mơ công lý của người dân tại cơ quan hành chính và tại các tòa án không chuyên trở nên xa vời. Chính vì vậy, tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ với đầy đủ năng lực sẽ góp phần đưa ra những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về sở hữu trí tuệ.

Tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ càng cần thiết hơn khi việc cấp giấy chứng nhận quyền tác giả không trải qua thẩm định chặt chẽ của cơ quan công quyền. Giới văn nghệ sĩ và những người có sức sáng tạo được hưởng quyền tác giả khi tác phẩm ra đời mà không cần đơn yêu cầu công nhận. Đủ thủ tục, không thiếu hồ sơ, người dân có thêm giấy chứng nhận bảo hộ quyền tác giả và được hưởng sự bảo hộ đầy đủ của pháp luật. Tác phẩm được đăng ký thành công, được cấp giấy chứng nhận thì người chủ tác phẩm có đủ căn cứ pháp lý để thể hiện quyền tài sản của mình.

Thế nhưng, thiếu đi cơ chế thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận, những tác phẩm bắt chước cứ đua nhau được xác lập giấy chứng nhận. Một tác phẩm được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả từ năm 2008 có thể chỉ với những thay đổi không đáng kể về hình thức, tên gọi lại được tiếp tục cấp giấy chứng nhận trong năm 2009.

Công lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ có thể đạt được nếu có tòa án đề cao quyền sở hữu trí tuệ và có thẩm phán đủ năng lực chuyên môn. Quyền tài sản trí tuệ không được bảo vệ, hành vi xâm phạm tràn lan, thì niềm tin của các nhà đầu tư cũng sẽ sụt giảm. Nếu như nhiều nước có tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ và tạo ra một môi trường đầu tư - thương mại hiệu quả, thì Việt Nam cũng có thể mong những điều tương tự. Trước tình trạng ăn cắp bản quyền, hàng giả khắp nơi, người ta càng không thể không lo. Vì lẽ đó, cho ra đời sớm một hệ thống tòa án chuyên xét xử về sở hữu trí tuệ là việc làm cần thiết để khuyến khích sự sáng tạo của mỗi người dân.
(http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/28553/)

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

TÀI SẢN VÀ CHẾ ĐỊNH UỶ QUYỀN QUẢN LÝ (TRUST) CỦA PHÁP LUẬT ANH

Trịnh Quốc Vũ

Lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật Anh bắt đầu từ khi Guillaume le Conquerant, Công tước xứ Normandie, lên ngôi hoàng đế nước Anh (năm 1066 ).
Pháp luật Anh phát triển qua các giai đoạn cơ bản sau: sự xuất hiện của hệ thống các nguyên tắc “luật án lệ” ( common law ), sau đó là các nguyên tắc “công bằng” ( equity ); hai cuộc cách mạng ở nước Anh ( 1642 – 1649 và 1688 – 1689 ); sự thắng thế của Toà án và luật án lệ, tiếp theo là sự ra tăng vai trò của các văn bản luật dẫn đến việc Toà án mất dần vị trí ưu thế.
Từ lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật Anh ta thấy trong một số ngành của luật tư pháp Anh sẽ có sự kết hợp hết sức phức tạp giữa các quy tắc có nguồn gốc khác nhau ( common law, equity, luật thành văn ) để giải quyết các vấn đề pháp lý. Hệ thống pháp luật của vương quốc Anh về tài sản và về chế định uỷ quyền quản lý là một ví dụ hết sức điển hình của việc áp dụng đông thời các nguyên tắc của common law và equity để điều chỉnh cùng một tài sản. Hệ thống pháp luật này có đặc trưng là rất phức tạp: có rất nhiều loại quyền khác nhau đối với các tài sản, khác với các quy định pháp luật về quyền sở hữu của các nước theo truyền thống pháp luật La Mã. Do đó việc nghiên cứu và học tập về tài sản và chế định uỷ quyền quản lý trong pháp luật Anh là vô cùng bổ ích và lý thú
.


1. TÀI SẢN.
Có nhiều học thuyết về tài sản: Học thuyết chiếm hữu đầu tiên, học thuyết giá trị lao động, học thuyết vị lợi, học thuyết tự do…..Nhưng chỉ có hai học thuyết lớn chi phối luật tài sản của các quốc gia đó là trường phái luật tự nhiên và trường phái thực chứng pháp lý. Trong đó truờng phái thứ hai ( thực chứng pháp lý ) chi phối các nước thuộc common law xuất phát từ tư tưởng của Jeremy Bentham. Trong cuốn The Theory of Legislation, Ông viết: “ Tài sản và pháp luật sinh ra và chết đi cùng nhau, trước khi pháp luật được làm ra thì không có tài sản; loại bỏ pháp luật và tài sản chấm dứt”.
Phân loại tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng nó liên quan tới hàng loạt các vấn đề pháp lý như: Bảo đảm nghĩa vụ dân sự, hiệu lực của hợp đồng, công khai các quyền tài sản, thương mại và tư pháp quốc tế…
Có rất nhiều cách phân loại tài sản nhưng trên hết tất cả và quan trọng nhất là chia tài sản thành động sản và bất động sản.
1.1. Bất động sản.
Trong pháp luật Anh không có sự phân biệt giữa vật quyền và trái quyền, tất cả các quyền liên quan tới một bất động sản đều được coi là quyền đối với tài sản.
Việc quy định này hoàn toàn hợp lý vì thực sự các quyền liên quan tới bất động sản đều là vật quyền. Quy định này cũng rất thuận tiện cho việc giao dịch về bất động sản. Điều này khác hẳn với pháp luật Việt Nam, trong Bộ luật dân sự Việt Nam các nhà làm luật đã phải tách hẳn phần giao dịch về bất động sản thành một chương riêng. Điều này có thể không cần nếu chúng ta hiểu đúng về các quyền liên quan tới bất động sản đều là vật quyền hay quyền tài sản. Khi đó các giao dịch liên quan tới bất động sản sẽ thuộc phần các giao dịch về tài sản. Vì quyền đối vật là tài sản có thể chuyển giao, cầm cố, thế chấp…
Ví dụ: Quyền của bên thuê nhà đối với ngôi nhà mình thuê cũng là một quyền bất động sản, có giá trị như quyền chiếm hữu tuyệt đối ( fee simple absolute in possession ) – là quyền đầy đủ nhất đối với bất động sản
Quyền của nhiều chủ thể khác nhau cùng tồn tại đối với một bất động sản.
Hiện tượng song tồn trên đây có thể xuất pháp từ việc tồn tại cùng lúc nhiều quyền không đầy đủ đối với tài sản:
Ví dụ 1: Quyền của bên cho thuê và bên thuê đối với một bất động sản;
Ví dụ 2: Quyền của con nợ có thế chấp và chủ nợ có thế chấp đối với bất động sản thế chấp
Hiện tượng song tồn này có thể là kết quả của việc chuyển giao các quyền khác nhau đối với tài sản.
Ví dụ : Quyền của người hưởng hoa lợi và quyền của hư chủ. Tuy nhiên, common law và sau đó cả các văn bản luật cũng không đồng tình với việc kéo dài thời gian chuyển giao.
Ngoại lệ duy nhất là trường hợp người có quyền chiếm hữu tuyệt đối chưa nhượng bất kỳ quyền một nào trên bất động sản của mình cho người khác.
Xác định trật tự thứ bậc các quyền đối với cùng một bất động sản
Theo quy định của luật năm 1925 về bất động sản, thì chỉ có hai quyền được điều chỉnh bởi các quy tắc common law là quyền chiếm hữu tuyệt đối và quyền thuê bất động sản. Tất cả các quyền còn lại đều do equity điều chỉnh, như là : các dịch quyền và quyền thế chấp.
Cũng theo quy định của luật năm 1925, thì chỉ có các quyền common law mới có thể chuyển nhượng mà không kèm theo các quyền equity; khi chuyển nhượng, các quyền equity sẽ đựơc quy đổi thành tiền. Chỉ có các quyền common law mới có thể chuyển nhượng hoặc thế chấp.
Trong vấn đề quản lý đất đai thì nhà nước quản lý bằng sổ địa bạ. Nhưng không có sổ địa bạ đầy đủ.
Trước khi ban hành Luật đăng ký đất đai năm 1997, không phải giao dịch đất đai nào cũng được ghi trong sổ đăng ký mà chỉ đăng ký các giao dịch liên quan tới những bất động sản đã được đăng ký trước đó. Đối với các bất động sản chưa được đăng ký trong sổ địa bạ mà đã được cho thuê hoặc thế chấp thì phải có văn bản làm chứng và có xác nhận của một luật sư tư vấn.
Từ khi thực hiện cải cách theo quy định của Luật 1997, việc đăng ký là bắt buộc, đặc biệt là đối với các giao dịch quan trọng có liên quan đến một bất động sản trước đó chưa được đăng ký trong sổ địa bạ. Ngoài ra, các hợp đồng sau đây cũng phải đăng ký: hợp đồng mua bán, hợp đồng thế chấp thuộc hàng thứ nhất, hợp đồng cho thuê ưu đãi với thời hạn trên 21 năm, hợp đồng cho thuê thông thường với thời hạn trên 21 năm.
Những người có quyền lợi liên quan có thể yêu cầu sửa chữa những sai sót trong việc đăng ký. Nhưng trong trường hợp này, cơ quan đăng ký có nghĩa vụ bồi thường cho những người đã chịu thiệt hại.
1.2. Động sản.
Động sản là tài sản hữu hình, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ được điều chỉnh bằng các chế định không mấy phức tạp vì các quyền này không được chia quá nhỏ và, theo quy định của Luật năm 1925, các quyền này cũng không được phân chia theo trật tự thứ bậc.
Các quyền cơ bản đối với động sản gồm:
- Quyền sở hữu;
- Quyền chiếm hữu tài sản của người khác trên cơ sở một hợp đồng thuê, thuê – bán ( cho thuê tài sản với giá cao để sau khi hết thời hạn cho thuê, bên thuê sẽ có quyền sở hữu hoàn toàn đối với tài sản đó ), hợp đồng vận tải, gửi giữ, bảo lãnh.
Chủ thể các quyền trên có thể kiện ra toà yêu cầu bảo vệ quyền chiếm hữu của mình.
Trong pháp luật Anh quyền chiếm hữu đã được tách ra khỏi quyền sở hữu thành một chế định riêng. Điều này khác hẳn với pháp luật Việt Nam.
1.3 Các ảnh hưởng của việc phân loại tài sản thành động sản và bất động sản .
Cách phân loại này được áp dụng cho mọi nguồn của cải kể cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình.
Người ta thiết kế các quy định chi tiết hơn về bất động sản.
Do tính không di chuyển được, nên pháp luật dễ dàng áp đặt một hệ thống đăng ký bất động sản để công khai các quyền nhằm thông báo cho các chủ nợ. Vì vậy các quyền trên bất động sản thường phức tạp hơn.

2. CHẾ ĐỊNH UỶ QUYỀN QUẢN LÝ ( TRUST ).
2.1. Lịch sử hình thành và định nghĩa.
a. Lịch sử hình thành.
Uỷ quyền quản lý là một chế định sáng tạo của equity. Do nhu cầu mong muốn tài sản được sở hữu bởi một người khác hơn người mà có quyền lợi thực sự đối với tài sản. Các Thẩm phán của toà án equity đã có ý tưởng quy định cho những người có quyền đối với các tài sản (đặc biệt là đối với bất động sản ) một số nghĩa vụ hạn chế quyền quản lý và định đoạt đối với tài sản của mình và công nhận người bị hạn chế quyền như vậy được hưởng một số quyền “công bằng” ( equity ).
Có một đạo luật trong lịch sử gọi là The Statute of Mortmain ( Quyền chiếm hữu vĩnh viễn ) cấm cấp đất cho nhà thờ miễn phí. Để tránh chi trả phí đất được cấp cho một người trên căn bản người này quản lý đất vì lợi ích của nhà thờ mà không phải vì lợi ích của mình. Toà án của common law chỉ thừa nhận sự kiện đất được chuyển nhượng hợp pháp cho người này, do vậy người này có thể làm bất kỳ điều gì trên đất đó. Trong khi đó toà án công bằng không từ chối quyền sử hữu đất đó của người này, thực hiện hành vi đối nhân (asked in personam) buộc người này phải hành động phù hợp với sự thật là vì quyền lợi của người được thụ hưởng.
Còn theo Giáo sư Michael Bogdan thì chế định uỷ quyền quản lý ra đời để tránh các loại thuế và nghĩa vụ; Vào thời kỳ Trung cổ, người được thừa kế bất động sản thì phải thực hiện nghĩa vụ đặc biệt. Để tránh phải thực hiện nghĩa vụ này, chủ sở hữu, ngay từ khi còn sống, đã trao tài sản cho người bà con hoặc bạn bè thân tín, để người này sau khi người chủ sở hữu chết, sẽ chuyển tài sản đó cho những người thừa kế của mình. Bằng cách này việc người tiếp nhận tài sản của người đã chết không bị coi là thừa kế.
b. Định nghĩa.
Theo cách định nghĩa của luật gia nổi tiếng Maitland: “ Khi một người có các quyền nào đó mà anh ta phải thực hiện vì lợi ích của người thứ ba hoặc để thực hiện một mục tiêu đặc biệt nào đó đã được xác định trước, thì có thể nói rằng người này được uỷ quyền quản lý cho người thứ ba đó hoặc cho mục tiêu đó và được gọi là người quản lý ”( trustee ).
Vậy trust là một nghĩa vụ được thi hành trong equity mà dựa trên một người là trustee ( người được uỷ thác ) mà là người chủ sở hữu pháp lý của tài sản quản lý tài sản vì lợi ích của một người khác là beneficiary ( người thụ hưởng ) hoặc nhằm một mục đích xác định.
2.2.Các hình thức uỷ quyền quản lý.
Đối tượng được hưởng quyền hạn chế là những cá nhân xác định.
-Uỷ quyền quản lý tư ( private trust ). Có ba loại uỷ quyền quản lý tư:
Uỷ quyền rõ ràng: do người có quyền lập dưới hình thức hợp đồng được đóng dấu, di chúc hay bằng một văn bản thông thường, trong đó, chỉ rõ các tài sản và các quyền sẽ được chuyển giao, người được giao quản lý và những người được thụ hưởng.
Uỷ quyền suy đoán theo quyết định của Toà án ( resulting trusts ): là loại uỷ quyền mà người ta phải suy đoán từ quyết định của Toà án ra xem ai là người được uỷ quyền quản lý, tài sản, các quyến sẽ được chuyển giao, những người được thụ hưởng là ai.
Ví dụ: Nếu người hưởng thụ việc uỷ quyền quản lý chết thì bản thân người lập uỷ quyền quản lý sẽ được coi là người hưởng thụ; hoặc nếu một người nào đó được giao quản lý một số tiền của người khác mà dùng số tiền đó để mua một tài sản đứng tên mình thì sẽ được coi là người quản lý tài sản đó ( tương đương với chế định “thực hiện công việc không có uỷ quyền” của Pháp ).
Uỷ quyền theo quy định của pháp luật: Đây là loại uỷ quyền quản lý mà các bên tham gia không có ý chí uỷ quyền rõ ràng. Mà do hình thức của giao kết giống việc uỷ quyền quản lý.
Ví dụ: Nếu một người mua một tài sản nào đó là đối tượng của một hợp đồng uỷ quyền quản lý mà biết rằng việc chuyển nhượng như vậy sẽ vi phạm quyền quản lý thì bản thân người đó sẽ trở thành người quản lý; hoặc khi một người cam kết bán ngôi nhà của mình thì sẽ trở thành người quản lý của bên mua cho tới khi quyền chiếm hữu tuyệt đối thực sự được chuyển giao. Riêng về điểm này thì Pháp luật Việt Nam không thể có và nó còn khá mới vì Pháp luật dân sự Việt Nam quyền chiếm hữu nằm trong quyền sở hữu. Trong pháp luật dân sự Anh như phần trên đã trình bày thì quyền chiếm hữu đã được tách ra thành một chế định riêng thành một quyền năng độc lập không nằm trong quyền sở hữu.
-Uỷ quyền quản lý công hay uỷ quyền quản lý tập thể ( public or charitable trusts ).
Đối với thể loại uỷ quyền này, người thụ hưởng là một bộ phận dân cư. Nét đặc thù của thể loại uỷ quyền này chính là mục tiêu của nó: đó là việc giảm nghèo, phát triển giáo dục, truyền bá tôn giáo và mọi hoạt động công ích khác ( ví dụ: bảo vệ môi trường ). Hình thức uỷ quyền quản lý này được thực hiện thông qua các tổ chức.
2.3. Bản chất của trust.
Trust là một khái niệm thuộc Equity xuất hiện khi có sự chia tách quyền sở hữu pháp lý và quyền hưởng dụng thu lợi đối với tài sản, có nghĩa là khi một hay nhiều người có quyền sở hữu pháp lý đối với tài sản và có nghĩa vụ hợp pháp quản lý tài sản đó vì lợi ích của một hay nhiều người khác.
2.4. Quy chế của người quản lý.
- Theo các quy tắc common law, người quản lý được hưởng đầy đủ các quyền đã được chuyển giao cho mình. Ví dụ nếu người quản lý đã nhận chuyển giao quyền chiếm hữu tuyệt đối đối với các bất động sản thì có quyền bán bất động sản đó, trừ trường hợp văn bản xác lập việc uỷ quyền quản lý quy định khác.
- Theo các quy tắc equity, người quản lý có nghĩa vụ cơ bản: quản lý một cách có trách nhiệm và cẩn trọng khối tài sản được giao và tuân thủ một cách chặt chẽ các điều kiện quy định trong văn bản xác lập việc uỷ quyền quản lý(các điều khoản này chỉ được sửa đổi trong một số trường hợp hết sức đặc biệt).Thông thường, việc quản lý không được trả thù lao (trừ trường hợp có quy định khác).Theo yêu cầu của những người hưởng thụ việc uỷ quyền quản lý, toà án sẽ có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ trong trường hợp bên được giao quyền quản lý vi phạm nghĩa vụ của mình như: biện pháp cưỡng chế, chế tài hình sự (các biện pháp này đã được giảm nhẹ theo quy định của luật năm 1925 về uỷ quyền quản lý).
2.5. Tư cách pháp lý của người hưởng thụ việc uỷ quyền quản lý.
- Theo các quy tắc common law, người hưởng thụ việc uỷ quyền quản lý không có quyền gì.
- Theo các quy tắc equity, người hưởng thụ có các quyền sau đây:
Quyền khởi kiện ra toà án yêu cầu thi hành việc uỷ quyền quản lý và có thể yêu cấu toà án truy cứu trách nhiệm hình sự;
Quyền kiện đòi tài sản đã được chuyển nhượng trái với quy định về uỷ quyền quản lý(nếu có yếu tố không ngay tình) hoặc kiện đòi tài sản mua được bằng tiền bán tài sản đã được uỷ quyền quản lý.


3. KẾT LUẬN.

Giống như trong những thời ký trước đây, uỷ quyền quản lý cho phép thực hiện những thoả thuận trong gia đình, giữa những người còn sống hoặc có tính chất di chúc, đặc biệt là vì quyền lợi của con cái. Trong lĩnh vực này, pháp luật cấm không được lập các hình thức uỷ quyền quản lý vĩnh viễn: trên nguyên tắc, thời hạn hiệu lực của các văn bản xác lập việc uỷ quyền quản lý không được vượt quá 21 năm tính từ ngày người lập uỷ quyền quản lý chết (theo án lệ đã được thiết lập ngay từ thế kỷ XVII và được công nhận trong Luật năm 1925, và được sửa đổi bởi Luật năm 1964 ).
Uỷ quyền quản lý cũng được sử dụng như một biện pháp kỹ thuật để thực hiện một số công việc trong thời hạn ngắn, như:
Trong hoạt động mua bán ( trust for sale );
Thanh toán phân chia di sản do người được giao quản lý thực hiện (personal representative).
Uỷ quyền quản lý được áp dụng trong lĩnh vực tài chính: để quản lý các khoản vay hay tiền gửi của cá nhân một cách linh hoạt và hiệu quả, hay hơn so với mô hình công ty đầu tư chứng khoán của Pháp ( investment trust ).
Uỷ quyền quản lý cho phép nhiều tổ chức hoật động được trong nhiều lĩnh vực khác nhau : tổ chức từ thiện, trường đại học, học viện, tổ chức tô giáo, tổ chức bảo vệ rừng v.v..
Từ những ứng dụng thực tế của chế định uỷ quyền quản lý trên, chúng ta thấy ý nghĩa của chế định này trong pháp luật Anh là vô cùng quan trọng. Để có được chế định trust như trên không thể phủ nhận vị trí quan trọng của việc phân loại tài sản. Thiết nghĩ nêu như hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có chế định này thì hay biết bao. Trước khi có chế định này trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc làm trước tiên chúng ta phải làm là phân loại tài sản một cách chi tiết hơn.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

ĐỐI CHIẾU QUYỀN CỦA CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM VÀ HOA KỲ QUA VỤ “CÁC CỔ ĐÔNG KIỆN BAN LÃNH ĐẠO YAHOO”

Đỗ Giang Nam



“Hàng loạt cổ đông đã khởi kiện Yahoo! khi ban lãnh đạo hãng này từ chối bản hợp đồng sáp nhập trị giá 44,6 tỷ USD của Microsoft, với lý do, hãng đã không đứng về phía lợi ích của họ” . Vụ mua bán đình đám đó diễn ra tại Hoa Kỳ và vụ kiện đó được tòa án bang Delaware thụ lý, tuy nhiên nếu vụ việc tương tự xảy ra tại Việt Nam, thì:

1.Theo LDN 2005, khi người quản lý gây thiệt hại cho công ty, cổ đông không được trực tiếp kiện họ (trong khi thành viên công ty TNHH lại được quyền khởi kiện giám đốc công ty TNHH Điều 41.1.g). Chỉ có cổ đông chiếm 10% cổ phần mới có thể báo cáo lên Ban Kiểm soát (Điều 79.2.d và Điều 123.5) Tuy nhiên Ban Kiểm sóat lại do đại hội đồng cổ đông bầu, hay chính là các cổ đông đa số bầu vì vậy khó có thể đảm bảo sự vô tư của Ban Kiểm soát đối với các cổ đông thiểu số. Cổ đông chỉ có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình (Điều 90) hay yêu cầu tòa án hủy bỏ các quyết định của Đại hội đồng cổ đông nếu có vi phạm về trình tự thủ tục, hay nội dung trái với Điều lệ hoặc qui định của pháp luật (Điều 107). Như vậy cổ đông thiểu số ở Việt Nam thiếu công cụ giải quyết tranh chấp tại tòa án khi giám đốc hay HĐQT gây thiệt hại cho công ty như những cổ đông khác ở Mỹ.

2 Trong vụ kiện này,“Luật sư bên nguyên tuyên bố “nói không với Microsoft” chỉ là quan điểm riêng của ban lãnh đạo Yahoo! chứ không phải là một bước đi nhằm tối đa hoá giá trị cổ phiếu của hãng”. Nếu là luật sư bên bị, ta có thể đặt vấn đề là thành viên HĐQT liệu có tự do, thoải mái khi ra những quyết định có tính rủi ro cao nhưng lại có thể mang lại kết quả tốt cho công ty trong tương lai. Rõ ràng nếu lo sợ trách nhiệm, những người quản lý công ty sẽ e ngại và thay vào đó là những quyết định ổn định nhưng kém hiệu quả kinh tế. Trong những trường hợp như thế tòa án Hoa Kỳ bảo vệ họ, không buộc họ chịu trách nhiệm về quyết định của mình miễn là họ hành động cẩn trọng, trung thực. Các công ty cũng có thể chịu chi phí cho việc bảo vệ các thành viên HĐQT đã hành động trung thực và mẫn cán, họ cũng có thể mua bảo hiểm để trang trải cho các phí tổn đó. Tất cả những quy định này kết hợp với những nghĩa vụ trên nhằm giảm nguy cơ sai lầm nhưng không làm mất đi tính hiệu quả kinh tế trong việc ra quyết định. Nghĩa vụ cẩn trọng này cũng được LDN 2005 tiếp nhận theo đó, người quản lý phải hành xử một cách trung thực , cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty (Điều 119.1.b). Nhưng điểm khác biệt như ở trên đã chỉ rõ là những cổ đông không có tố quyền để bảo vệ mình, khi nghĩa vụ này bị các người quản lý vi phạm. Hay nói cách khác nghĩa vụ này không đi kèm với chế tài.

3.Tóm lại qua vụ kiện trên của các cổ đông Yahoo, chúng ta có thể đưa ra nhận xét cơ bản:

3.1. Cổ đông thiểu số ở Mỹ được bảo vệ tốt hơn so với ở Việt Nam ít nhất trên hai khía cạnh. Thứ nhất: Quyền cơ bản của cổ đông là quyền được thông tin ở CTCP Việt Nam bị hạn chế, thể hiện ở việc các cổ đông thông thường chỉ được xem biên bản các đại hội đồng cổ đông, chỉ cổ đông nắm trên 10% số vốn mới được xem biên bản hội đồng quản trị của công ty (Điều 79.2.b). Thứ hai: tố quyền, quyền để bảo vệ quyền, cũng không có đối với các cổ đông thiểu số Việt Nam, trong khi đó tại Hoa Kỳ việc sử dụng tố quyền này là thường xuyên ví dụ điển hình là vụ kiện Enron, Tyco, WorldCom và Yahoo hiện nay.

3.2.Trái lại, những người quản trị Việt Nam có vẻ có sức mạnh hơn so với đồng sự bên kia bán cầu bởi luật pháp cho dù quy định nghĩa vụ của họ, nhưng không có chế tài cụ thế. Hy vọng họ sẽ phát huy lợi thế này để đưa ra được quyết định quyết đoán và sáng suốt vì lợi ích công ty chứ không phải vì mục đích tư lợi.

3.3.Rõ ràng, quyền của cổ đông thiểu số càng lớn, nghĩa vụ của người quản lý càng minh bạch và có thể đảm bảo thi hành thì càng nhiều cá nhân bỏ vốn ra kinh doanh, dòng vốn lớn thì thị trường càng phát triển, đất nước ngày hưng thịnh. Do đó việc xây dựng lòng tin cho cổ đông là công việc quan trọng. Bên cạnh những giải pháp có thể học hỏi Hoa Kỳ nêu trên, thì chúng ta cần nhiều hơn những viện PACE, phải đào tạo và tuyển chọn được những CEO , những nhà điều hành không chỉ tài năng mà phải có chuẩn mực về đạo đức: như tính cẩn trọng, công bằng, trung thực…

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

ĐÔI ĐIỀU VỀ PHÁ SẢN VÀ VẤN ĐỀ "TRÁCH NHIỆM SUỐT ĐỜI" TRONG LUẬT PHÁ SẢN VIỆT NAM


Với mục đích tạo không khí nghiên cứu, trao đổi học thuật trong hoàn cảnh các thành viên của NL đang có những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp, và cũng để nhắc nhở các anh em: "học hành là chuyện cả đời", thời gian tới Blog NL sẽ đăng lại các bài viết đã được in trên báo giấy NL giúp anh em có tư liệu chia sẻ. Tất cả các bài đăng đều thuộc bản quyền Nhân Luật.




Nguyễn Văn Đạt


Theo quy luật tự nhiên, mọi sự vật hiện tượng được sinh ra đều trải qua quá trình tồn tại, phát triển và tiêu vong. Với các doanh nghiệp (DN) ra đời trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng không phải là ngoại lệ của quy luật đó.
Có lẽ bất cứ ai khi quyết định đầu tư vào sản xuất kinh doanh cũng đều tin và mong rằng mình sẽ thành công. Tuy nhiên, trong môi trường đầy tính cạnh tranh và khả năng rủi ro rất lớn này, thì việc những DN không đủ sức cạnh tranh và gánh chịu những rủi ro để rồi tụt lại phía sau và dẫn tới phá sản dường như là một điều tất yếu. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ rủi ro là ¼, có nghĩa là cứ 100 DN được thành lập thì sẽ có khoảng 25 DN bị phá sản.
Phá sản DN là một hiện tượng kinh tế-xã hội tồn tại khách quan, có thể xem là một sản phảm tất yếu của nền kinh tế thị trường. “DN lâm vào tình trạng phá sản là DN gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt đông sản xuất kinh doanh sau khi áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn” (điều 2, Luật phá sản). Phá sản được coi là một cách giải quyết hữu hiệu cho các con nợ khi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ đáo hạn.
Tuỳ vào mỗi chế độ kinh tế, mỗi điều kiện môi trường kinh doanh mà pháp luật các nước, các thời kì sẽ có những qui định về vấn đề phá sản theo cách riêng của họ. Trong thời kì cổ đại và trung đại, pháp luật phá sản đều mang tính trừng phạt nặng nề (chịu những chế tài hình sự nghiêm khắc như bỏ tù, bắt làm nô lệ hay bị giết...) hay bắt giữ con nợ để cưỡng bách trả nợ; cha mẹ mắc nợ con phải trả...Trong thời đại hiện nay, với sự bùng nổ của nhân quyền, tự do, pháp luật phá sản hiện đại có cách nhìn khoan dung hơn đối với những người lâm vào tình trạng phá sản. Do vậy, xu hướng pháp luật phá sản hiện nay trên thế giới không chỉ đặt ra những thiết chế bảo vệ lợi ích cho chủ nợ mà còn quan tâm bảo vệ lợi ích của con nợ. Nhấn mạnh về vấn đề này, trong bài viết tôi xin mạn phép đưa ra một vài suy nghĩ về việc các con nợ bị tuyên bố phá sản là chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh tiếp tục phải trả các món nợ còn thiếu, sau khi đã bán toàn bộ tài sản của mình để thanh toán các khoản nợ. “Tức là trách nhiệm suốt đời”.
Điều 90 luật Phá sản năm 2004 qui định: “nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản:
1.Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản qui định tại điều 86 và điều 87 của luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác.
2.Các nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quýêt định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản được giải quýêt theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự và các qui định khác của pháp luật có liên quan”
Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, không ai trong bất cứ chúng ta khi làm một việc gì đó lại không mong mình sẽ thành công, đặc biệt là ước mơ làm giàu.Việc làm ăn thua lỗ và dẫn đến phá sản là điều không ai mong muốn, người kinh doanh, nhà nước hay bất kì ai cũng vậy.Việc để xảy ra tình trạng đó dù do nguyên nhân chủ quan hay khách quan tôi nghĩ có thể xem đó như là một “tai nạn”, hay một “lỗi lầm” mà người làm kinh doanh gặp phải vậy. Trong cuộc đời của mỗi người, ai mà chẳng có ít nhất một lần vấp ngã, một lần thất bại. Sự thất bại đó chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý chủ nhân của nó một mức độ nhất định. Sự đánh giá, nhìn nhận, thái độ của xã hội, của mọi người xung quanh sẽ có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến người đó. Họ sẽ có nhiều động lực để đứng dậy hơn, nhiều quyết tâm để làm lại hơn nếu xã hội và mọi người có thể “tha thứ”, có cái nhìn bao dung hơn, và bản thân họ ít phải chịu áp lực khi bắt đầu lại sự nghiệp.
Đối với các công ty có tính chất đối vốn ( công ty cổ phần, công ty TNHH ) khi bị phá sản thì các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình (có nghĩa là họ đương nhiên đựoc giải phóng khỏi việc thanh toán các khoản nợ mà công ty còn thiếu đối với các chủ nợ) thì không có gì đáng bàn. Còn đối với các các con nợ bị phá sản là cá nhân, phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ (DN tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh), sau khi trả nợ bằng tất cả số vốn đưa vào kinh doanh (tức là họ đã trắng tay) mà vẫn còn thiếu, thì phải tiếp tục trả các món nợ còn thiếu đó. Điều đó có nghĩa là còn sống, còn thu nhập thì còn phải tiếp tục trả nợ. Quy định “không miễn trừ nghiã vụ về tài sản của chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ...” đã hợp lý hay chưa?
Thử hỏi có ai trên đời luôn mang trong mình một “tinh thần thép”, mà khi đã lâm vào cảnh trắng tay, thân bại danh liệt, và nỗi ám ảnh phải tiếp tục trả nợ khi còn có thu nhập lại có thể dứng dậy được. Đã qua rồi cái thời nếu không trả được nợ thì phải làm nô lệ cho chủ nợ, và cũng qua rồi cái thời cha mẹ không trả hết nợ thì con cái phải trả thay...Làm giàu là một ước mơ rất chính đáng, rất cao đẹp, vậy nên những người có ước mơ làm giàu cần được tạo cơ hội, được động viên, khích lệ. Tất nhiên việc nhà làm luật quy định như vậy cũng có cái lý của họ. Có những đối tượng cần phải chịu những chế tài xứng đáng cho hành vi của họ (những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh...). Nhưng đối với những người làm ăn chân chính vì một lý do nào đó mà lâm vào tình cảnh như vậy, mà thái độ của xã hội đối với họ cũng như những kẻ làm ăn bất lương kia thì quả thật chúng ta cần phải suy nghĩ lại.
Là một người có nhiều nghiên cứu về luật phá sản Việt Nam, PGS.TS Dương Đăng Huệ cho rằng Điều 90 của luật Phá sản, trong tương lai cần được sửa đổi theo hướng như sau: “ Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không được miễn trừ nghĩa vụ về tài sản đối với chủ nợ chưa được thanh toán nếu:
a. Trì hoãn việc làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không có lý do chính đáng;
b. Có hành vi tẩu tán, huỷ hoại, sử dụng hoang phí tài sản trước và sau khi toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản;
c. Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ hợp tác với toà án, hội nghị chủ nợ, tổ quản lý và thanh toán tài sản trong quá trình giải quyết vụ phá sản;
d. Đã được hưởng quy chế giải phóng nợ trong một vụ phá sản khác trong thời hạn 5 năm trước ngày toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc phá sản.”
Đối với bản thân tôi, ý kiến của PGS.TS Dương Đăng Huệ thật hợp tình, hợp lý. Chúng ta cần phải có những chế tài nghiêm khắc cho những hành vi đáng phải chịu như vậy, nhưng chúng ta cũng nên mở lối thoát cho những người đáng nhận được sự bao dung của xã hội. Theo tôi, pháp luật hay bất cứ một công cụ nào mà nhà nước sử dụng để duy trì sự ổn định, trật tự kỷ cương xã hội, chỉ có thể đạt được ý nghĩa và mục tiêu đích thực khi sự việc xảy ra đươc giải quyết thấu đáo, hợp tình và hợp lý.