Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Để tuyên bố hợp đồng vô hiệu chính xác

Lê Trọng Dũng

Sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2005 với những kế thừa các quy định pháp luật trước đây về hợp đồng vô hiệu, cùng với sự tiếp thu kinh nghiệm pháp luật trên thế giới đã phần nào khắc phục tình trạng nhiều hợp đồng bị tuyên vô hiệu một cách không cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, một số quy định không rõ ràng và cách vận dụng pháp luật thiếu linh hoạt đã dẫn đến tình trạng Nhà nước can thiệp quá mức vào tự do hợp đồng, gây không ít hậu quả xấu cho các bên liên quan. Để tuyên bố hợp đồng vô hiệu một cách chính xác, có sức thuyết phục, cần hướng tới các vấn đề sau:

Tôn trọng tự do hợp đồng

Để đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật hợp đồng của một quốc gia, người ta thường xem xét các giá trị của tự do hợp đồng. Tự do hợp đồng được hiểu là khi tham gia quan hệ hợp đồng, các bên được tự do lựa chọn đối tác, tự do chọn loại hình hợp đồng thích hợp để đạt mục tiêu, tự do xác lập các điều khoản và tự do quyết định có giao kết hợp đồng hay không.

Một số người cho rằng để bảo vệ quyền tự do của người khác và lợi ích của cộng đồng nên phải hạn chế tự do hợp đồng. Và tự do hợp đồng bị vô hiệu khi các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận vi phạm trật tự công, đạo đức xã hội hoặc các bên tham gia hợp đồng không hoàn toàn tự nguyện.

Nhưng có lẽ tự do hợp đồng chỉ có một giá trị nổi bật nhất là hạn chế sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền vào tự do của công dân. Do đó, cần đảm bảo tự do hợp đồng của các bên trong quan hệ hợp đồng, đồng thời có những quy định pháp luật hạn chế ở mức thích đáng tự do hợp đồng nhằm bảo đảm trật tự công và đạo đức xã hội.

Xác định sự can thiệp vào tự do hợp đồng

Cải cách pháp luật hợp đồng, hoàn thiện những quy định liên quan đến hợp đồng vô hiệu cần xác định sự can thiệp vào tự do hợp đồng. Trong xu hướng hoàn thiện pháp luật, sửa đổi Bộ luật Bân sự 2005 cần có những quy định về hợp đồng vô hiệu không chỉ bảo đảm sự quản lý nhà nước mà cần đặt lợi ích của các bên tham gia hợp đồng làm mục tiêu ưu tiên. Điều này nhằm mục đích Nhà nước thực sự trở thành bàn tay nâng đỡ cho các quan hệ tự do kinh doanh, tự do thỏa thuận để thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển.

Do đó, từ hình thức, nội dung, các điều kiện có hiệu lực cho đến các trường hợp vô hiệu của hợp đồng cần được tư duy theo hướng tăng cường tự do hợp đồng, hạn chế sự can thiệp không cần thiết vào quan hệ hợp đồng. Khi đã chứng minh được có sự tự do thỏa thuận và thỏa thuận đó trở thành “luật” đối với các bên tham gia hợp đồng thì cần phải được tôn trọng ngay cả từ phía cơ quan nhà nước. Tòa án đại diện cho cơ quan nhà nước chỉ nên can thiệp khi quan hệ hợp đồng vi phạm trật tự công, đạo đức xã hội chứ không nên tuyên vô hiệu.

Trật tự công thay cho điều cấm của pháp luật

Trong xu thế hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu, Bộ luật Dân sự sau này nên dùng thuật ngữ “trật tự công” thay cho thuật ngữ “điều cấm của pháp luật” là căn cứ để tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

Pháp luật có đồ sộ đến đâu cũng không thể bao quát hết mọi tình huống trong cuộc sống. Và nhiều khi việc tự do hợp đồng không trái với các điều cấm của pháp luật nhưng vẫn có thể chống lại trật tự công. Ngược lại, nhiều khi trái hay khác với các quy định pháp luật không có nghĩa là sẽ chống lại trật tự công cộng.

Bởi vậy, các điều cấm của pháp luật quá cứng nhắc vẫn có thể không bảo vệ được lợi ích chung của cộng đồng. Và thuật ngữ “điều cấm của pháp luật” khi vận dụng pháp luật không linh hoạt sẽ bị lạm dụng để can thiệp quá mức vào các quan hệ hợp đồng. Do đó, khi sử dụng mềm dẻo thuật ngữ “trật tự công” thì các lợi ích chung mới thật sự được bảo vệ.

Như vậy, để tuyên bố một hợp đồng vô hiệu, các tòa án không chỉ tuân thủ và áp dụng những quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 mà còn cần có quyền sáng tạo. Trong quá trình đó, tòa án thu nạp những giá trị công lý, thuần phong mỹ tục vào phán quyết của mình để giải thích thuật ngữ “trật tự công” và giúp những hợp đồng bị tuyên vô hiệu trở nên hợp tình hợp lý hơn.

Sử dụng án lệ về hợp đồng dân sự vô hiệu

Án lệ về hợp đồng dân sự vô hiệu là các bản án, quyết định của tòa án được thừa nhận và trở thành khuôn mẫu điển hình để các tòa án vận dụng giải quyết trong những trường hợp tương tự. Ở nước ta, án lệ về hợp đồng dân sự vô hiệu vẫn chưa được thừa nhận là nguồn chính thức của pháp luật nhưng các luật sư và thẩm phán vẫn tìm thấy ở đó những quy phạm bổ sung cho sự thiếu hụt của văn bản pháp luật.

Các thẩm phán không chỉ tuân thủ và áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu trong Bộ luật Dân sự 2005, mà cần có quyền sáng tạo và giải thích pháp luật. Đa dạng hóa các nguồn pháp luật hợp đồng, sử dụng án lệ hợp đồng dân sự vô hiệu cho những trường hợp tương tự sẽ dẫn đến các tuyên bố vô hiệu hợp đồng chính xác hơn, đảm bảo các quyền và lợi ích của các bên tham gia hợp đồng và của người khác. Bởi vậy, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu nên trao cho thẩm phán quyền linh hoạt sáng tạo để phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài những quy phạm về hợp đồng dân sự vô hiệu được ghi nhận trong văn bản pháp luật, cần tồn tại một loại quy phạm đặc biệt gần gũi với thực tế đời sống. Đó chính là những quy phạm được các thẩm phán thiết lập qua quá trình áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án về hợp đồng dân sự. Những quy phạm này cần được xem là một nguồn quy phạm bổ sung trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án về hợp đồng dân sự vô hiệu.

Tăng trách nhiệm và độc lập của thẩm phán

Để bảo đảm một hợp đồng dân sự bị tuyên vô hiệu chính xác, bảo vệ được quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng và bảo vệ được trật tự công, trình độ chuyên môn và lương tâm của các thẩm phán cần phải đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Thẩm phán phải là những người có đạo đức tốt và là người có khả năng cảm nhận công lý, thu nạp những giá trị chân lý, thuần phong mỹ tục vào các phán quyết tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu. Đồng thời thẩm phán cần phải chịu trách nhiệm về các bản án, quyết định tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu của mình. Điều này thể hiện ở chỗ, thẩm phán chỉ tuân theo những quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu khi xét xử, tự mình giải quyết các tranh chấp hợp đồng, không phụ thuộc vào bất cứ ai và cũng không bị chi phối bởi ý kiến của ai.

Tính độc lập của thẩm phán cũng bao gồm cả độc lập áp dụng những quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu và sáng tạo pháp luật trong những trường hợp pháp luật hợp đồng thiếu hụt. Một hệ thống tư pháp thật sự độc lập, đáng tin cậy sẽ góp phần giúp cho việc tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu được chính xác, đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng và những người khác.
(http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/31384/)

Không có nhận xét nào: