Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

LUẬT NHÂN HỘI TA

LUẬT NHÂN HỘI TA

Nguyễn Quý Công

Tháng chin đã tới!
Tháng chín đánh dấu Nhân luật tròn hai tuổi, bộn bề những lo toan và canh cánh hoài bão đôi mươi, hội đang ở gần cái tuổi thứ ba “thoắt nói thoắt cười” của Thánh Gióng ngày nào. Tuổi ấy là tuổi gánh vác sơn hà, tuổi nhỏ mà “muôn phần khích ngang!”. Tôi không phải là hàng “tam công” trong hội như Hoàng Đạt, Nam Giang, Trọng Dũng, cũng chưa phải bậc “hảo hán” đối chọi một góc giang hồ như Thế Phong, Mạnh Hùng…Chẳng qua cũng là người thường thường bậc trung, luôn canh cánh xây dựng “một xã hội hài hòa” trong hội ta. Bởi vậy, tôi không có cái “dũng” như anh Nam, dám thẳng tâm bộc lộ ham muốn làm một tập chân dung phê phán các thành viên trong hội, cái này ông Xuân Sách hẳn cũng phải ngó trước nhìn sau, vì dẫu sao ông ấy cũng không ở gần những đối tượng phê bình như anh Nam. Tôi cũng không có cái “tài bao quát vũ trụ” mà phóng bút luận anh hùng như anh Phong ngày nào, dù sao, tôi hoặc không có tham vọng như họ Tào hoặc không khéo vờ đóng kịch như Lưu Bị. Thế là tôi chọn cách làm khác, cách an toàn hơn, làm một tuyển tập “LUẬT NHÂN HỘI TA”- Một tuyển tập chân dung bằng thơ.
Và đây, xin gửi tới các anh em tập hợp chân dung “LUẬT NHÂN HỘI TA”, âu cũng là chút tài mọn góp vui, mong anh em chiếu cố nếu có chỗ chưa vừa ý…

Nguyễn Văn Đạt
Đạt kia, “khởi tổ”, “xây nền”
Luật nhân mới được vững bền đến nay
Đêm ngày lo tính ai hay
Chẳng ngang đầu lĩnh cũng tày cao nhân…

Đỗ Giang Nam
Nam thời khí phách hơn người
Giải cao “lưỡng đảng” rạng ngời hội ta,
Buổi đầu gian khó xông pha
Tạm quên đối ngoại trị nhà trước tiên,
Ngược xuôi lắm kẻ khen hiền
Ai hay trong hội nắm quyền ngả nghiêng,
Truy thu tài chính thâm niên
Lại thêm cái khoản giữ quyền phát ngôn!
May thay thẳng thắn, ôn tồn
Luật Nhân gắn bó sinh-tồn hội ta!

Lê Trọng Dũng
Họ Lê quê ở Hà Tây,
Ước mơ Công lý theo thầy thủ đô
Người mang khẩu khí giang hồ
Thực tâm mong muốn dốc bồ kinh thi
Mỗi tháng báo chí một kỳ,
Gian nan, vất vả độc y nhọc lòng
Chạy qua chạy lại long đong
Ngẫm ra cũng thật được lòng anh em.

Nguyễn Minh Lộc
Lộc theo Thiên chúa lòng lành
Thấy trong luật pháp rành rành chữ Nhân
Người khí khái, tính ân cần
Nhiệt tình hết mức thêm phần lo toan,
Trong thì việc hội chu toàn
Lại thêm keo dính kết đoàn anh em
Khi thì bia rượu: e…hèm!
Khi thì phun thuốc toét nhèm mắt nhau.

Phạm Thế Vượng
Bê bối “sinh ngữ” qua rồi
Vượng giờ chỉ muốn làm… “ xi-i-ồi”(C.E.O) mà thôi!
Đến họp ăn vận lôi thôi
May ra đối ngoại không tồi kéo lên
Trong hội chẳng phải bề trên,
Thế mà lắm kẻ xướng tên anh tài!

Phạm Xuân Hoàn
Hoàn Xuân vốn kẻ chuyên cần
Ăn chơi, nhậu nhẹt mấy lần lo toan,
Thú chơi “cây cảnh” an nhàn
Đôi khi chểnh mảng “bầy đàn”, anh em
Thảnh thơi ngoại ngữ bên rèm
Hoàn ta đợi lúc lên thềm phi cơ
Ái ân gác lại mong chờ
Hai năm cho thỏa bây giờ ước mơ!

Bùi Thế Phong
Phong thời có Thế ông cha
Nhưng đang sức trẻ mặn mà tự thân
Người đâu hay thích phân trần
Cà phê, nhạc quán mòn quần lê la
Chuyện khi điếu thuốc ấm trà
Lại khi bao nỗi sơn hà trong tâm
Rỗi không mới nổi “cơn hâm”
Phóng tay luận bút: hùng tâm mấy người?

Đinh Mạnh Hùng
Hùng này chẳng phải cái Đinh
Quê hương mãi chốn biên đình xa xôi
Tướng tinh, ăn nói không tồi,
Dụ người chẳng phải thề bồi nọ kia
Nhiều khi lai láng đầm đìa
Nhiều khi bản lĩnh: ra rìa gái yêu!
Thôi thì pê-ét (PS) sớm chiều
Qua đêm lỡ hẹn cũng liều…xin sau!

Nguyễn Hữu Sơn
Hữu Sơn đen thật là đen
Giữa đêm chỉ có đốt đèn mới trông
Đi vẹo vọ, dáng tồng ngồng
Mà hay lửa nhiệt là không ai bằng
Tư duy số liệu rất hăng
Làm gì cũng phải… lằng nhằng mới thôi
Vào ban “Kỷ yếu” mấy hồi
Đến nay công trạng thôi rồi… như không!

Cao Văn Tuân
Tuân kia là kẻ đến sau
Thế mà uy vũ nhuốm màu hội ta
Chẳng cao thủ, cũng chuyên gia
Lại thêm xử sự thật thà đơn sơ
Tiếc thay đàn đúm “gà mờ”
Phần chơi hơi nhạt thờ ơ mấy lần
Lật qua Điều lệ ân cần
Thấy ghi Nhân luật đa phần là: Chơi.

Lê Xuân Anh
Xuân Anh chẳng phải xướng tên
Lắm người đã ngại cảm phiền: nhỏ thôi,
Tính hay chém gió thôi rồi
Dọc-ngang, ngang-dọc tơi bời anh em
Khi trà đạo, lúc ăn kem
Kể ra cũng đáng: E hèm… “thực nhân”!

Đặng Hữu Anh
Họ Đặng là người Hữu khuynh
Ngại chuyện sóng gió, giữ tình anh em
Thảnh thơi hội họp êm đềm
Nhỏ to biểu đạt những niềm nghĩ suy
Việc hội có bữa, có kỳ
Xem qua không thấy hà tỳ là bao…

Phạm Tiến Trường
Tiến Trường trai biển khôn ngoan
Mặn mà “nhan sắc”, thêm phần tài năng
Lĩnh xướng khi rượu lâng lâng
Khúc ca “đồng đội” mấy tầng trời xanh
Xông pha giữa chốn thị thành
Ngày sau ắt hẳn sự thành là đây.

Nguyễn Quý Công-tự họa
Không mũ mão, chẳng cân đai
Lấy đâu để biết ta là Cử nhân?
Trán dô, mặt mũi trân trân
Nói năng như thể lên thần đến nơi
Bế quan tính chuyện đợi thời
Chẳng qua chưa chốn, chưa nơi dung mình
Kề cà những chuyện cao minh
Đâu hay gió bụi phong tình ra sao
Bỏ qua những sự tào lao
Thực tâm sống giữa gian lao hội mình.

NHÂN CHÂN LUẬT VẠC


NHÂN CHÂN LUẬT VẠC

Bùi Thế Phong.

Lại nói về những kẻ sĩ không ham danh, không hám lợi. Giữa thời thế xoay vần, dòng đời bị tiền bạc công danh làm cho điên đảo, vẫn còn đó những kẻ chẵn lẻ tìm thú vui quanh cốc cà phê và khói thuốc nồng. Ngày có, ngày không, nhưng dù mưa hay nắng, dù gió hay giông, một khi đã có tiếng gọi của bầy đàn và mùi đắng khét, những kẻ sĩ lại tụ họp nhau dưới một không gian thoạt nhìn thì phóng khoáng nhưng kỳ thực không kém phần ngột ngạt.

Song hành câu chuyện phiếm là cốc cà phê, song hành tiếng thở dài là làn khói thuốc, song hành cùng "Tổ quốc cần gì" là chủ đề quen thuộc, Nhân Gật. Cãi chăng? Một khi đã nghe cao nhân dương gia hỏi "Tổ quốc cần gì?", há lại có anh em không dám gật đầu cho qua chuyện?

Hai năm, với một bầy đàn, chưa phải là nhiều, nhưng cũng chẳng coi là ít. Hai năm, biết bao niềm vui, biết bao nỗi buồn, biết bao lần anh em cùng ngước mắt nhìn gái xinh, cũng biết bao lần anh em thu mình cùng cúi mặt trước gái xấu. Buồn vui còn đó, G3 nhà vệ sinh còn đó, nhưng người vào xả nước đã tít tắp nơi nao. Thời thế thay đổi, cái thời oanh liệt ấy qua rồi nhưng thời khói lửa khác lại tới. Chùng xuống giữa dòng đời, dòng người và giữa tiếng khuấy lách cách của cốc cà phê, anh em Nhân Gật giờ đã ra sao?

...

Vẫn là câu chuyện phiếm luận anh hùng.

Tối nay, Sơn và Xuân Anh đi vắng. Mình Công ở nhà, đang cơm nước xong xuôi, có tin nhắn. "Cafe, mời anh em đến ngay".

Phong chỉ vào cốc chanh muối, thở dài

- Đời vừa chua, vừa mặn chát. Tôi châm thêm điếu thuốc cho nó có khói có lửa.

- Kính anh, anh cứ tự nhiên - Công khiêm nhường.

Câu chuyện chẳng đầu, chẳng đuôi. O gỗ và Scholes được đem ra làm chủ đề đàm tiếu, và chê bai. Rồi những con người của một thời xa vắng lại được hiện về trong câu chuyện, chê bai, chán ghét, và nể phục, đủ mọi cung bậc. Nhìn lại anh em, "Cả khóa K50 này, tôi chỉ thấy duy nhất Giang Nam xứng đáng được gọi là anh hùng". Cả 2 cùng đồng tình vậy.

- Giang Nam là kẻ còn trẻ, nhưng có bản lĩnh, biết sống với sức ép của ngôi vị độc tôn. Nay dám đương đầu vào nơi mà bao kẻ còn ngày đêm ngóng lúc ra đi. Biết gạt bỏ dục vọng tầm thường, quyết tâm nuôi mộng lớn, giống như giương cung bắn hổ giữa rừng sâu. Quả tương xứng với Thiếu Đế Vương Tôn Quyền đó.

- Anh nói chí phải. - Công gật gù.

- Nhân nói chuyện Tôn Quyền, giật mình lại nhớ, há chẳng phải anh em ai cũng làu làu truyện Tam Quốc hay sao? Vậy nói xem, sau Giang Nam, sẽ là ai, và là nhân vật nào của Tam Quốc Truyện?

- Tôi nghĩ ngay tới Dũng Tổng. Người này dám nghĩ, dám làm, kể cả những chuyện mà chưa ai ngờ tới. Giống Triệu Vân năm xưa dám đơn thương độc mã cứu hài nhi của Lưu Bị, thật đúng là kẻ dũng mãnh hiếm thấy ở đời. Trong Nhân Luật, dường như chỉ có anh ta mới xứng hóa thân vào Tử Long vậy.

- Uh, Giang Nam tựa Tôn Quyền, Dũng Tổng tựa Tử Long, còn Hoàng Đạt, là đầu lĩnh, tuy xem ra lại có phần lép vế với hai người cấp phó nói trên. Nhưng y lại có cung cách như Lưu Bị vậy, dùng đức thu lòng người, dùng nhân nghĩa trị thiên hạ. Tôi nói có phải không? Hoàng Đạt làm Lưu Bị, chắc không ai dám phản đối.

- Anh nói quá sát rồi, tôi không có ý kiến gì hơn được. Vậy anh nói xem, ai xứng đáng làm Quan Vũ, Trương Phi, Hoàn Trung đây?

- Quan Vũ là bậc khí phách ngang tàng, bộc trực thẳng thắn nhưng cũng là người biết nghĩ trước, nghĩ sau, kiêu hãnh lớn và kiên định, lại là bậc trung thần đệ nhất. Tuân Tử tuy là người vào sau của Nhân Luật, nhưng khí chất của hắn ta xứng đáng làm Quan Vân Trường lắm. Còn Trương Phi, dũng mãnh và phi thường, mang trong mình đẳng cấp dũng tướng, ở điểm này, tuy Trần Duy về mặt hình thức, chưa phải thành viên bầy đàn ta, nhưng ngoài anh Duy, còn ai hơn được để làm Trương Phi hắc tướng đây? Còn Hoàn Trung thì, anh biết đấy, cũng là dũng tướng nhưng tiếc là được biết đến khi đã sắp tàn. Anh Hoàn thì cũng sắp rời xa anh em, vậy Hoàn là Hoàn Trung. Tôi nghĩ vậy, không biết anh có nghĩ khác không?

- Tôi thấy những lời vừa rồi quả là lời vàng ý ngọc. Vậy tôi cũng xin góp thêm, Vượng Tàu là kẻ đầu tư tốn kém, nhưng lại hay trí trá khó ai bằng, dùng diễn biến hòa bình, lừa người khác tới chỗ coi thường chủ quan rồi chuốc vạ. Vậy hắn ta đích thị là Lục Tốn.

- Hay lắm.

- Còn anh Sơn, bôn ba khắp chốn, tựa như một chú ngựa tự do vùng vẫy ở thảo nguyên. Chẳng ai hợp với anh ta hơn là Mã Đại.

- Đúng lắm, Mã Đại tuy không phải tên tuổi lớn nhưng đóng góp của nhân vật này lại không nhỏ chút nào. Nhắc đến Mã Đại, tôi nghĩ đến Ngụy Diên. Nhân vật này có thể nói là thức thời, biết nhẫn nhịn làm việc nhỏ mà mưu đồ việc lớn, lúc nào cũng canh cánh mộng bá vương, xem ra chẳng ai hơn anh Xuân Anh ở điểm này rồi.

- Phải, còn Hữu Anh thì thực chẳng khác nào Lỗ Túc vậy.

- À, tôi nhớ là hội ta còn anh Pháp. Giờ thì anh Pháp giờ không biết đã ra sao, lâu rồi không thấy tin tức nào cả. Nghe như sớm nở sớm tàn, giống y Phụng Hiếu vậy.

- Hay đấy. Còn bên lớp anh, còn anh Trường, anh Lộc. Anh nghĩ sao?

- Trường xuất thân là dân sông nước, chuyên bôn ba chốn biển khơi, lại là người nói ít làm nhiều. Xứng làm danh tướng Cam Ninh lắm. Còn Minh Lộc sức khỏe hơn người, tính nết cương trực, tôi nghĩ anh ấy là 1 Điển Vi thứ hai.

- À đấy, lớp anh còn anh Kiên. Nhưng chưa phải một thành viên của hội, tham gia phập phù quá, lúc có lúc không.

- Vậy anh Kiên đích thị là Từ Hoảng.

- Phải lắm, phải lắm. Còn anh Hùng, người này văn võ đều có tài cả, lại rất biết tiến, biết thoái, nên được lòng anh em. Tôi cho anh ta xứng đáng là Khương Duy lắm.

- Điểm mặt lại cũng gần hết anh em rồi, còn anh, anh sẽ là ai?

- Tôi nghĩ đến một người, là cánh tay phải của Tôn Quyền, tính cách có phần đố kỵ với Gia Cát nhưng lại biết điều phối cảm xúc, biết nghĩ xa, biết nắm lấy thời thế, gạt cái hận nhỏ mà mưu thành sự lớn. Vậy xin nhận làm Chu Du. Còn những bậc như Tào Tháo, Ngọa Long, Phượng Sồ, quả là thiên hạ cả ngàn năm cũng không ai dám sánh.

- hà hà - Phong cười, đoạn vỗ đùi đen đét - Vậy thì ai trong đám nữ nhi kia xứng với chữ Tiểu Kiều đây?

Cả hai cùng cười sảng khoái, như hai kẻ điên giữa quán cà phê, đâu đó 1 vài ánh mắt săm soi khó chịu.

...

Tàn cuộc.

- Để đó tôi trả cho - Công nói.

- Tư Mã Ý một tay mưu sự, thâu tóm thiên hạ, thống nhất về một mối, há lại không có tiền chiêu đãi Chu Du cốc cà phê?

...